Vì sao ăn ít vẫn không giảm cân

15/11/2024 | 58 |

"Vì sao tôi làm theo mọi hướng dẫn trên mạng, cắt giảm calo chỉ ăn 1.000 calo mỗi ngày và tập luyện thể chất, nhưng thật khó hiểu khi cân nặng vẫn tăng?"

Nguyên tắc cơ bản để giảm cân là lượng calo nạp vào cơ thể (calo in) phải thấp hơn tổng lượng calo tiêu thụ (calo out). Việc này có thể thực hiện thông qua chế độ ăn uống hợp lý và tăng cường hoạt động thể chất.

Lý giải từ chuyên gia

Khi tiêu thụ ít calo nhưng đường huyết luôn cao thì có thể là do cách bạn chọn lựa thức ăn ie nạp đường và tinh bột xấu. Bên cạnh đó, khi cơ thể bị bỏ đói, cơ thể sẽ chuyển hóa thành trạng thái dự trữ mỡ, gây tăng cân. 

Sau đây là tóm lược các lưu ý:

1. Ăn sai cách, tập chưa đúng, sẽ không thể giảm cân. Nếu ăn nhiều thức ăn chứa chất béo và đường nhưng lại thiếu một số chất thiết yếu cho nhu cầu cơ thể thì chúng sẽ chuyển thành mỡ dự trữ, gây tăng cân.

Nhiều người mới bắt đầu cắt giảm calo sẽ thấy khá dễ dàng, tuy nhiên, khoảng 6-8 tuần, cơ thể nhận ra bạn cung cấp ít calo hơn lượng đốt cháy nên sẽ tự điều chỉnh quá trình trao đổi chất, trở nên chậm lại, khó đốt năng lượng và mỡ hơn.

2. Một yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng cân còn đến từ gene. Ví dụ trong gia đình có nhiều người béo phì do yếu tố di truyền. Khoa học tìm thấy một số loại gene như NYP2R tương tác với trung tâm kích thích sự thèm ăn trong não bộ, ảnh hưởng đến cảm giác đói, tăng tiêu thụ thức ăn và hậu quả là gây tăng cân. Một số công trình khác ghi nhận có hơn 200 gene như FTO, MC4R, LEP, INSIG2, PCSK1... liên quan thèm ăn và điều chỉnh cân nặng. Do đó, một người dễ bị lên cân vì cơ thể liên tục báo cho não biết rằng nó đang đói. Một số gene lại kích thích cơ thể hấp thu chất béo trong thực phẩm và phát triển mô mỡ.

3. Mặt khác, hạn chế nghiêm ngặt calo, tập luyện quá mức có thể làm mất cân bằng hormone, là lý do khiến ăn ít, tập nhiều vẫn tăng cân. Điển hình, hạn chế calo làm giảm sự hoạt động của hormone tuyến giáp, khiến quá trình chuyển hóa chậm lại, dẫn đến việc giảm cân khó khăn. Chưa kể, việc này có nguy cơ cao bị thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu cho tuyến giáp như kẽm, iốt, selen hoặc magie.

Cortisol - một loại hormone căng thẳng - tiết ra khi bạn tập thể dục quá nhiều, cũng khiến cơ thể mệt mỏi, vượt quá giới hạn chịu đựng, mất động lực tập luyện. Căng thẳng quá mức nguy cơ dẫn đến tăng cân, đặc biệt là vùng bụng, lâu dài gây các vấn đề về tuyến thượng thận, lo lắng và trầm cảm.

Cùng với đó, phụ nữ càng lớn tuổi, lượng testosterone thấp dần, hạn chế calo có thể làm cạn kiệt testosterone, dẫn đến tăng cân, mệt mỏi, ham muốn tình dục thấp và khó xây dựng khối lượng cơ. Testosterone thường được coi là hormone của nam giới, nhưng phụ nữ cũng có và cần, bởi nó giúp xây dựng và duy trì khối lượng cơ, đốt cháy chất béo.

Vì vậy, cho dù có cắt calo, chuyển hóa cơ bản thấp, kết hợp lối sống thụ động, lượng cơ thấp, rất khó xuống cân

Khuyến nghị:

1. Thay vì ăn ít, cần ăn đúng, bằng cách giới hạn thời gian trong 8-12 tiếng, ăn sáng trong khoảng 7-9 giờ và kết thúc trước 20 giờ, các chuyên gia khuyến nghị.

Ăn chậm, nhai kỹ, kéo dài thời gian ăn trên 25 phút và phối hợp 4 nhóm chất: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, chỉ nên ăn no 80%.

2. Chọn lựa thức ăn : Bạn có thể áp dụng quy tắc chiếc đĩa để "khống chế" khẩu phần, tiêu chuẩn bao gồm rau củ quả 50%, protein 25%, tinh bột 25%. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh, rau củ nên luộc hoặc hấp, nấu canh. Món xào cần sử dụng các loại dầu lành mạnh như dầu oliu, dầu quả bơ, đảm bảo tối ưu có 3-5 màu sắc trong khẩu phần rau. Tinh bột ưu tiên loại hấp thu chậm như gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám, khoai lang... Protein từ thịt, cá, trứng, riêng thịt đỏ tối đa 100 g/ngày, một tuần ăn không quá hai lần.

Nên áp dụng quy tắc ăn ngược bẳng cách ăn chất xơ, canh rau trước, sau đó đến protein, cuối cùng là tinh bột, để tạo cảm giác no sớm cho cơ thể.

 

3. Tập luyện và nghỉ ngơi:

Tập luyện là chìa khóa chính, song không phải tập nhiều là tốt. Khoa học chứng minh trạng thái đốt mỡ tốt nhất của cơ thể là nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ nhàng, không để nhịp tim liên tục tăng quá cao.

Khi tập nên kết hợp 3 yếu tố: Đốt năng lượng qua bài cardio, chạy bộ; tăng sức mạnh cơ bắp qua bài kháng lực; rèn các bài tập cho cơ thể dẻo dai, linh hoạt, tăng sức bền như yoga. Hoạt động thể chất 4-6 tiếng/tuần, nếu ép bản thân hoạt động quá nhiều, cơ thể mệt mỏi, stress, ảnh hưởng đến sức khỏe

Chúc các bạn giảm cân thành công! Hãy chia sẻ thêm nhiều bí quyết hay từ bản thân

Nguồn: Tham khảo vnExpress

 

 


Tin tức liên quan

Sản phẩm liên quan